Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam như thế nào
Trên
80 tàu Trung Quốc bố trí thành nhiều lớp sẵn sàng đâm và hăm dọa, dùng
vòi rồng tấn công bất cứ tàu nào của Việt Nam tiến vào khu vực đặt giàn
khoan trái phép.
"Xung quanh khu vực giàn khoan những ngày qua vẫn diễn biến hết sức phức tạp", đại diện Cảnh sát biển Việt Nam cho biết.
|
Hình ảnh 3D mô phỏng tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Video:VTC
|
Sáng 12/5, phóng viên VnExpress có mặt trên tàu 8003 đã
tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong
vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam. Cùng thời điểm này, các tàu Cảnh
sát biển Việt Nam mang số hiệu 2013, 2015, 2016, 4032 cũng vào khu vực
giàn khoan để làm nhiệm vụ tuyên truyền.
8h30, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu Cảnh sát biển Việt
Nam.Việt Nam phát loa báo với nội dung: Đây là vùng biển thuộc thềm lục
địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển Việt Nam và
công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mọi hoạt động của các vị
là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của
Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là luật biển năm 1982, yêu cầu
chấm dứt hoạt động trên, rút các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt
Nam...".
Thông điệp phát đi bằng ba thứ tiếng Việt, Trung Quốc và Anh. Tuy
nhiên, tàu Trung Quốc được bố trí dày đặc, tiếp tục hung hăng áp sát,
chủ động tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Có lúc tàu Trung
Quốc kẹp sát tàu Việt Nam, cách khoảng 200 m.
Lúc 9h, tàu 8003 phát hiện tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mang số hiệu 534 áp sát, cách tàu 8003 khoảng 3 hải lý.
Khi tàu Việt Nam cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 7 hải lý về
phía Nam, tàu hải cảnh 3401 của Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước
vào tàu Trường Sa 22 của Việt Nam.
Hơn 10h ngày 12/5, một chiếc máy tuần thám Trung Quốc quần thảo ngay
phía trên các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm
vụ. Dù bị uy hiếp, các tàu Việt Nam quyết bám trụ thực hiện nhiệm
vụ tuyên truyền, yêu cầu các lực lượng Trung Quốc rút giàn khoan và tàu
hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Từ chiều đến tối 12/5, tình hình tại khu vực đặt giàn khoan Hải Dương
981 vẫn rất căng thẳng. Trung Quốc liên tục gây rối, nòng súng trên các
tàu Trung Quốc luôn chĩa theo sự di chuyển của tàu Việt Nam.
Đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu Cảnh sát biển 8003
cho biết, những ngày tới có thể tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Lực
lượng Cảnh sát biển sẽ tiếp tục bám trụ, thực hiện đúng đối sách, mệnh
lệnh từ Sở chỉ huy.
Theo Đại úy Trung, ngoài việc tiếp cận tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc
rút giàn khoan và tàu thuyền hộ tống trái phép ra khỏi thềm lục địa,
vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các cán bộ chiến sĩ còn có nhiềm vụ
bảo vệ ngư dân đang đánh bắt hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
|
Việc đặt giàn khoan ảnh hưởng đường bay trên Biển Đông. Video: VTV
|
Trước đó, trưa 11/5, khi tàu kiểm ngư 926 của Việt Nam tiếp cận
vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 6 hải lý, lập tức có hàng
chục tàu Trung Quốc áp sát. 10h, không chỉ tàu 926, mà tàu CSB 4032
cũng bị bao vây bởi các tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc và phía trên
là máy bay tuần thám.
Trung Quốc triển khai trên 80 tàu luôn bọc lót, bố trí thành nhiều lớp
rất hung hãn. Những con tàu này sẵn sàng đâm, hăm dọa và dùng vòi rồng
tấn công khi phát hiện bất cứ tàu nào của Việt Nam tiến vào khu vực giàn
khoan 981. Trung Quốc cũng nới rộng vòng cảnh giới từ 3 hải lý lên khoảng 10 hải lý.
Chiều cùng ngày, tàu 4032 của Cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi pháp
luật tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì bất ngờ bị tàu
Trung Quốc tông. Do đã chuẩn bị các phương án đề phòng từ trước, nên các
chiến sĩ trên tàu 4032 đã kịp thời điều khiển để tránh được cú đâm trực
diện.